Những khoảng thời gian từ đầu tháng 3 đến tháng 4 và từ đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là giai đoạn thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Sốt xuất huyết là căn bệnh lâu đời, hiện nay đã được kiểm soát bằng nhiều cách nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này cũng như sự nguy hiểm của nó. Vậy sốt xuất huyết là bệnh gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ra sao, có cách nào giúp điều trị và phòng tránh bệnh thật hiệu quả không? Nếu bạn cũng đang gặp phải những vấn đề này thì hãy cùng prawduct.com tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết ở người lớn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Ở giai đoạn khởi phát
- Sốt cao đột ngột, liên tục.
- Buồn nôn.
- Da sung huyết.
- Đau cơ, đau khớp.
- Nhức hai hố mắt.
- Trẻ nhỏ thí bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn.
Ở giai đoạn nguy hiểm
Thường từ ngày thứ 3 đến thứ 7 sau sốt, kéo dài 24 – 48 giờ. Bệnh nhân có thể còn sốt hoặc giảm sốt và xuất hiện thêm các biểu hiện:
- Tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
- Có thể biểu hiện sốc: Vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
- Xuất huyết: Mức độ từ nhẹ ở da,niêm mạc đến nặng xuất huyết nội tạng.
- Da: Xuất hiện dạng chấm, nốt, mảng rải rác mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.
- Niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, kinh nguyệt kéo dài.
- Nội tạng: Xuất huyết tiêu hóa.
Ở giai đoạn phục hồi
- Xảy ra 1 – 2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm,kéo dài 2 – 3 ngày sau đó.
- Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt dần lên, thèm ăn, huyết động ổn định.
Với mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những lưu ý trong theo dõi và chăm sóc khác nhau. Cũng thông qua việc phân loại giai đoạn bệnh này mà người thân có thể phát hiện sớm các dấu hiệu cách báo nguy hiểm để kịp thời đưa người bệnh nhập viện. Cần lưu ý đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Đây là giai đoạn dễ chuyển biến thành biến chứng nặng cần được cấp cứu kịp thời.
Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết năm nào cũng xuất hiện nhưng năm nào cũng có các ca tử vong đáng tiếc. Phần lớn các ca sốt xuất huyết tử vong đều là những ca sốt xuất huyết nặng hoặc sốt xuất huyết biến chứng. Dưới đây là 3 nhóm biến chứng của bệnh sốt xuất huyết thường gặp nhất.
Các biến chứng gốc
- Sốc thường diễn ra vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Trước khi chuyển sang giai đoạn sốc người bệnh luôn xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo trước.
- Hội chứng sốc là do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch dẫn đến tràn dịch đa màng. Tiếp đó là tụt huyết áp, suy tuần hoàn và tử vong.
- Ở Việt Nam thường gặp các ca sốc sốt xuất huyết do nhiễm virus Dengue chủng DEN 1 và DEN 2.
Các biến chứng xuất huyết tạng
- Xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não là 2 tình trạng xuất huyết nặng. Nó có thể gây tử vong cao. Ngay cả khi nếu thoát chết người bệnh cũng vẫn phải sống chung với di chứng nhất là trường hợp xuất huyết não.
- Thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh mạn tính trước đó. Như xơ gan, viêm gan, phình động mạch, loét đường tiêu hóa.
- Một số trường hợp xuất huyết nặng do sử dụng sai cách thuốc hạ sốt như aspirin,…
Các biến chứng gây suy đa tạng
Các ca sốt xuất huyết biến chứng suy tạng điển hình là suy gan, suy thận, viêm cơ tim, suy tim.
- Đau vùng hạ sườn phải – vùng gan là dấu hiệu thường gặp trong sốt xuất huyết. Tuy nhiên tình trạng này sẽ nặng lên nếu tiến triển thành viêm gan cấp, suy gan.
- Viêm gan có thể xả ra và tiến triển nặng lên thành suy gan tối cấp.
- Suy thận cấp thường xảy ra do tụt huyết áp trong sốc và dễ dẫn đến tử vong.
- Tràn dịch màng ngoài tim, suy tim cấp.
Để tránh được những biến chứng của SXH Dengue và kịp thời xử lý thì việc theo dõi người bệnh SXH là vô cùng quan trọng. Người bệnh cần được theo dõi liên tục cho đến khi toàn trạng hồi phục và mạch huyết áp ổn định. Tốt nhất ngay khi phát hiện mắc bệnh, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị sốt xuất huyết theo đúng phác đồ.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.