Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo thống kê của GLOBOCAN 2012, ung thư dạ dày đứng thứ 6 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp đôi nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở cả nam và nữ. Ở Việt Nam, ung thư dạ dày chỉ đứng sau ung thư phổi, ung thư gan và ung thư vú, đứng thứ tư.
Ung thư dạ dày có những biểu hiện khá giống với các bệnh lý thông thường về dạ dày, rất dễ khiến người bệnh nhầm lẫn và chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Biết được những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư dạ dày sẽ giúp bạn chẩn đoán bệnh kịp thời và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày
Bị nhiễm Helicobacter Pylori (HP)
Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease. Chất này phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính. Khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày – tá tràng. Chỉ rất ít trường hợp mới thật sự tiến triển thành ung thư dạ dày. Điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản…) của người bị nhiễm.
Polyp dạ dày
Polyp dạ dày là khối tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày. Polyp dạ dày thường được phát hiện ngẫu nhiên, nhiều khi do được bác sĩ kiểm tra vì một lý do khác. Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng.
Đa số trường hợp bị polyp dạ dày thường không trở thành ung thư. Nhưng một số loại polyp có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày trong tương lai. Vì lý do này, một số dạng polyp dạ dày được loại bỏ và có thể không cần điều trị.
Tiền sử cắt dạ dày do bị loét
Theo nhiều tác giả: tỷ lệ ung thư mỏm dạ dày là 0,55-17% (orlando. R, WelCh I: 1981; Popov. P.Khomiakov IV.M: 1980…). N SChmid (1977) thấy sau 30 năm cắt dạ dày thì cứ 5 bệnh nhân có một người bị ung thư mỏm dạ dày. A.A.Klimenkov (1983) thấy tần số ung thư mỏm dạ dày sau mổ 25 năm cao hơn người bình thường 3-4 lần.
Các yếu tố khác
- Chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm hun khói, nhiều mỡ động vật
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12
Nếu bị thiếu hụt vitamin B12 do thiếu máu ác tính (bệnh hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày) thì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu hụt axit folic có thể tăng nguy cơ ung thư, như ung thư đại tràng.
Dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày
– Ở giai đoạn sớm: thường không có triệu chứng đặc hiệu. Người bệnh có thể thấy chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, đau thượng vị, buồn nôn, mệt mỏi.
– Ở giai đoạn muộn, xuất hiện các biểu hiện như:
+ Xuất huyết tiêu hóa: Nôn máu, ỉa phân đen
+ Đau thượng vị kiểu loét điển hình.
+ Đầy hơi: buồn nôn, chướng bụng.
+ Nuốt nghẹn, đau sau xương ức nếu ung thư tâm vị dạ dày.
+ Nôn do hẹp môn vị.
– Bệnh nhân có kèm theo các biểu hiện toàn thân như gầy sút cân, suy kiệt, thiếu máu…
Các giai đoạn của bệnh ung thư dạ giày
Giai đoạn IA
- Tế bào ung thư xâm lấn qua lớp niêm mạc tới lớp hạ niêm mạc.
- Không có di căn hạch vùng.
- Không có di căn xa.
Giai đoạn IB
- Tế bào ung thư xâm lấn qua lớp niêm mạc tới lớp hạ niêm mạc. Di căn từ 1 – 6 hạch dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn qua lớp cơ đến lớp dưới thanh mạc. Không có di căn hạch vùng. Không có di căn xa.
Giai đoạn II
- Tế bào ung thư xâm lấn qua lớp niêm mạc tới lớp hạ niêm mạc. Di căn từ 7-15 hạch dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn qua lớp cơ đến lớp dưới thanh mạc. Di căn từ 1-6 hạch dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn đến thanh mạc nhưng chưa xâm lấn vào tổ chức hoặc cơ quan lân cận. Không có di căn hạch vùng. Không có di căn xa.
Giai đoạn IIIA
- Khối u xâm lấn qua lớp cơ đến lớp dưới thanh mạc. Di căn từ 7-15 hạch dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn đến thanh mạc nhưng chưa xâm lấn vào tổ chức hoặc cơ quan lân cận. Di căn từ 1-6 hạch dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn qua thanh mạc vào các tổ chức lân cận như các mạch máu lớn. Không có di căn hạch vùng. Không có di căn xa.
Giai đoạn IIIB
- Khối u xâm lấn qua thanh mạc vào các tổ chức lân cận như các mạch máu lớn. Di căn từ 1-6 hạch dạ dày. Di căn trên 15 hạch cạnh dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn như cách trường hợp trên. Di căn trên 15 hạch cạnh dạ dày. Không có di căn xa.
- Khối u xâm lấn như cách trường hợp trên. Có di căn xa.
Giai đoạn IV
Khối u xâm lấn như các trường hợp trên. Có hoặc không có di căn hạch vùng. Có di căn xa.
Điều trị bệnh ung thư dạ dày
Phẫu thuật điều trị
Đây căn bản bao gồm điều trị triệt căn và điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà áp dụng các phương pháp cắt dạ dày khác nhau: cắt dạ dày bán phần, cắt dạ dày toàn bộ với nạo vét hạch, cắt đuôi tụy, cắt đoạn đại tràng ngang…
Việc cắt dạ dày được chỉ định tùy theo vị trí của khối u. U ở môn hang vị sẽ tiến hành cắt bán phần thấp, nếu u ở vị trí trung bình hoặc u thâm nhiễm toàn bộ dạ dày sẽ chỉ định cắt toàn bộ dạ dày.
Phương pháp Xạ trị
Chỉ định xạ trị rất hạn chế. Có thể tia xạ vào khối u hoặc vào hạch trong phẫu thuật. Ngoài ra tia xạ còn dùng để điều trị các ổ di căn như di căn xương.
Phương pháp Hóa trị
Hóa trị có thể được áp dụng như là biện pháp chính khi ung thư đã có di căn xa.
Cách phòng tránh bệnh ung thư dạ dày
- Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục.
- Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.
- Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ.
- Chế độ ăn giàu chất xơ và đầy đủ dinh dưỡng khác, hạn chế chất béo sẽ tốt cho sức khỏe của bạn
- Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh – Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polype, u lành trong dạ dày – Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá…
Xem thêm các bài viết khác trên trang prawduct.com