Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc tiêm vắc xin tại tất cả các nước được triển khai nhanh chóng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng vắc xin hiện nay vẫn còn khá khan hiếm, các nước chưa phát triển phải chờ các nước phát triển cung cấp vắc xin mới có đủ để sử dụng. Để tránh tình trạng thiếu hụt này, các nhà nghiên cứu của Thái Lan đã chế tạo ra một loại máy rút vắc xin giúp tối ưu và hạn chế tối đa lượng vắc xin bị lãng phí nếu thao tác bằng tay. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về loại máy này qua bài viết dưới đây.
Robot rút vắc xin thay cho con người
Khi Thái Lan phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất, các nhà nghiên cứu nước này đã phát triển một loại máy có khả năng rút ra liều vắc xin từ lọ vào ống tiêm hiệu quả hơn. Việc rút cạn vắc xin COVID-19 đến giọt cuối cùng sẽ giúp tối ưu hóa số người được tiêm. Nhất là trong khi nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 ở Thái Lan thấp hơn dự kiến.
Theo Hãng tin Reuters ngày 25-8, cánh tay robot, chiếc máy tên AutoVacc của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) chế tạo, có thể rút được 12 mũi vắc xin AstraZeneca trong vòng 4 phút từ 1 lọ vắc xin, thay vì chỉ 10 mũi/lọ nếu thao tác bằng tay.

ĐH Chulalongkorn cho biết chiếc máy hiện chỉ có thể làm việc với vắc xin AstraZeneca. Loại vắc xin này có chú thích trên nhãn dán là rút được 10-11 mũi/lọ.
“Chiếc máy đảm bảo chúng tôi có thể thêm 20% từ mỗi lọ vắc xin, tức tăng từ 10 lên 12 liều”, theo nhà nghiên cứu Juthamas Ratanavaraporn – người dẫn đầu nhóm phát triển AutoVacc thuộc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật y sinh, ĐH Chulalongkorn.
Bà Juthamas ước tính, nếu họ có đủ vắc xin AstraZeneca dành cho 1 triệu dân, AutoVacc sẽ giúp nâng số liều lên đủ dùng cho 1,2 triệu dân.
Ống tiêm chết thấp đòi hỏi nhiều nhân công
Cũng theo chuyên gia trên, dù một số nơi có sử dụng loại ống tiêm khoảng chết thấp (LDS) để giảm lãng phí, cách làm này vẫn đòi hỏi nhiều nhân công và tay nghề cao.
“Điều này có thể làm tiêu hao rất nhiều sức lực của các nhân viên y tế. Họ sẽ phải làm việc này hàng ngày trong nhiều tháng”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Việc sử dụng chiếc máy này sẽ giúp loại bỏ gánh nặng cho các nhân viên y tế.
“Khi nhân viên y tế quá mệt mỏi, sẽ dễ xảy ra các sai sót. Vì vậy chúng ta nên để máy móc làm việc”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Dự kiến sản xuất thêm 20 máy trong 3-4 tháng nữa
Reuters cho biết Thái Lan từng kiểm soát được phần lớn đại dịch. Nhưng các biến thể mới như Delta đã đẩy số ca nhiễm và tử vong của quốc gia này tăng cao kể từ hồi tháng 4.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn tạo ra áp lực lớn cho chương trình tiêm chủng của Thái Lan.

Tính đến nay, khoảng 9% trong số 66 triệu dân của Thái Lan đã tiêm chủng đầy đủ. Công tác tiêm ngừa của quốc gia này đang đối mặt với thách thức từ việc thiếu nguồn vắc xin.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ có thể sản xuất thêm 20 máy AutoVacc trong vòng 3-4 tháng nữa. Tuy nhiên, việc sản xuất đại trà cho toàn quốc vẫn cần tới nguồn đầu tư từ chính phủ.
AutoVacc nguyên mẫu có giá 2,5 triệu baht (khoảng 76.000 USD). Trong đó đã bao gồm các phụ kiện khác như ống tiêm.
Nhóm nghiên cứu có kế hoạch chế tạo những chiếc máy tương tự để sử dụng với vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna.
Thái Lan đã ghi nhận khoảng 1,1 triệu ca Covid-19. Trong đó tổng cộng 10.085 ca tử vong vì dịch bệnh này.