Bệnh thoái hoá cột sống cổ là một trong những tên gọi của bệnh thoái hóa hệ thống cột sống do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như do công việc, lao động, sinh hoạt, tuổi tác,… Theo nhiều thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc phải căn bệnh này đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đáng lo ngại, tình trạng này có dấu hiệu trẻ hóa dần và ngày càng có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Bệnh nhân thường bị đau mỏi vai gáy, vận động khó khăn, đau đầu, chóng mặt,… lâu ngày dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như liệt và các bệnh về hệ tiết niệu. Hãy cùng prawduct.com tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này qua bài viết dưới đây nhé!
Thoái hoá cột sống cổ là bệnh gì?
Thoái hóa cột sống cổ là một trong số những bệnh lý mạn tính thường gặp nhất đặc biệt là ở người cao tuổi. Thoái hóa cột sống cổ tiến triển chậm và thường có liên quan đến tư thế vận động. Thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm ở đoạn C5, C6, C7 là tổn thương thường gặp nhất của bệnh thoái hóa cột sống cổ mặc dù tổn thương có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào.
Cách nhận biết bệnh thoái hoá cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ được biểu hiện bằng rất nhiều triệu chứng và rất dễ nhận biết. Một vài triệu chứng điển hình là:
- Bệnh nhân thấy đau vùng cổ. Bên cạnh đó còn có biểu hiện co cứng quanh đốt sống cổ, cả cấp tính và mạn tính. Khi vận động, cúi đầu, mệt mỏi, lao động nặng hoặc thay đổi thời tiết cơn đau sẽ tăng lên.
- Đau lan từ cổ tới cổ tay hoặc đau quanh khớp vai, gáy do rễ thần kinh cổ bị tổn thương. Đôi khi có cảm giác nhức nhối kèm theo tê khắp vùng cánh tay. Đau tăng lên khi vận động cổ (cúi, xoay,…).
- Bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng trán, chẩm, thái dương; đôi khi còn kèm theo chóng mặt, hoa mắt, ù tai; đau khi nuốt và đau khi giữ nguyên tư thế đầu một lúc lâu.
- Do hội chứng ép tuỷ dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như yếu hoặc liệt chi, dáng đi không vững. Gặp khó khăn khi di chuyển.
Vì sao lại bị thoái hoá cột sống cổ?
Sự lão hoá do tuổi cao
Khi tuổi tác tăng lên, tình trạng lão hóa nói chung và lão hóa sụn khớp nói riêng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Khi đó khả năng tái tạo của sụn ngày càng giảm, bao xơ đĩa đệm khô cứng chèn ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh gây ra hội chứng ép tủy gây đau, tê nhức vùng cổ gáy.
Do thường xuyên mang vác vật nạng
Những người có đặc thù công việc phải mang vác vật nặng thường xuyên như nhân viên bốc dỡ hàng, những người làm các công việc phải sử dụng cổ thường xuyên như cấy lúa, thợ cắt tóc, thợ sơn,… hoặc những người phải làm việc với cường độ cao đều làm cho cột sống cổ ngày càng suy yếu lâu dần dẫn đến thoái hóa.
Do thường xuyên làm việc với máy tính
Đây là một trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa cột sống cổ ở đa số người trẻ hiện nay. Việc làm việc trong văn phòng thường xuyên, cổ thường xuyên ở trong một tư thế. Từ đó dẫn đến căng cứng lâu dần gây thoái hóa.
Hậu quả của các chấn thương vùng cột sống cổ
Các chấn thương cột sống cổ là hậu quả của chấn thương sau khi chơi thể thao, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc do ngã, do bị đánh cũng là một trong số các nguyên nhân gây tổn thương sụn khớp ở vùng cột sống cổ và có khả năng dẫn đến thoái hóa.
Ngoài các nguyên nhân chính như trên thì một số nguyên nhân khác; chẳng hạn như ngủ sai tư thế, gối đầu quá cao,… hay do bẩm sinh hoặc di truyền có các bất thường ở cấu trúc cột sống cổ; chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D cũng gây ra thoái hóa cột sống cổ.
Cách điều trị bệnh thoái hoá cột sống cổ
Sau khi nắm bắt được nguyên nhân gây ra bệnh, việc lựa chọn phương pháp nào điều trị phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao. Hiện tại, các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống đang tập chung vào kiểm soát các triệu chứng của bệnh, nên chữa dứt điểm được bệnh từ gốc. Dưới đây là một vài cách điều trị phổ biến hay được áp dụng:
Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau giúp người bệnh thoái hóa cột sống giảm nhanh những cơn đau mà người bệnh gặp phải. Một số loại thuốc hay được sử dụng trong việc hỗ trợ giảm đau cho người bệnh được bác sĩ chỉ định sử dụng như:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, aspirin,…
- Thuốc chống viêm không có Steroid: Mobic, Celebrex
- Thuốc mỡ hoặc kem bôi tại chỗ: Golden, profenid gel, Voltaren Emulgel,…
- Thuốc giãn cơ: Mydocalm, Myonal.
- Tiêm ngoài màng cứng: Phương pháp này dùng cho những người có biểu hiện đau thần kinh tọa do đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh.
Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu
Một vài phương pháp hay được sử dụng giúp người bệnh giảm nhanh các cơn đau do bệnh thoái hóa cột sống gây ra như:
- Châm cứu.
- Massage, xoa bóp.
- Kéo giãn cột sống.
- Điều trị nhiệt: Hồng ngoại, chườm nóng,…
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh.
- Diện chẩn.
Cách ngăn ngừa bệnh thoái hoá cột sống cổ
Căn cứ trên những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống, để ngăn ngừa thoái hóa cột sống ở người trẻ và làm chậm tiến triển của bệnh ở người già chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:
- Xây dựng thời gian biểu với thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Không nên làm việc căng thẳng, giữ một tư thế trong thời gian dài. Giữa các khoảng thời gian làm việc nên có thời gian thư giãn, vận động nhẹ nhàng và xoa bóp vùng cổ gáy.
- Không để cột sống cổ phải chịu áp lực quá tải trong thời gian dài. Cụ thể là không mang vác vật nặng bằng vai hoặc đầu.
- Chú ý tư thế ngủ, nằm. Không nằm gối quá cao hay quá thấp. Hãy chuẩn bị đệm gối có độ mềm vừa phải tạo cảm giác thoải mái cho vùng cổ gáy.
- Nếu công việc đòi hỏi bạn phải làm việc thường xuyên bên máy tính, hãy chuẩn bị bàn ghế với độ cao phù hợp với bản thân. Không để máy tính quá cao hoặc quá thấp sao cho tư thế ngồi thẳng và thoải mái nhất.
- Cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn đủ canxi và vitamin D.
- Thường xuyên hoạt động thể dục thể thao với cường độ hợp lý, phù hợp với thể trạng. Tránh chơi thể thao quá sức, tác động mạnh gây chấn thương.