Bệnh nhiệt miệng là một căn bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi giới tính và lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh này tuy không nguy hại và có thể tự lành sau một thời gian khỏi bệnh nhưng những vết viêm loét ở miệng có thể gây đau nhức, khó chịu khiến trẻ luôn cáu gắt, chán nản và bỏ ăn. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ mà còn khiến ba mẹ vô cùng lo lắng. Dưới đây là một số thông tin về bệnh nhiệt miệng cũng như cách phòng tránh và điều trị mà cha mẹ có thể tìm hiểu để giải toả phần nào lo lắng, cùng prawduct.com tìm hiểu ngay nhé!
Nhiệt miệng ở trẻ em là như thế nào?
Nhiệt miệng là một bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tái lại nhiều lần khiến trẻ đau đớn, quấy khóc, bỏ ăn. Thực chất nhiệt miệng là tình trạng viêm loét niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Triệu chứng của bệnh nhiệt miệng ở trẻ
Biểu hiện bệnh nhiệt miệng ở trẻ đó là sự xuất hiện những nốt màu trắng xám hoặc vàng nhạt trong niêm mạc miệng của trẻ. Những nốt này thường hình tròn hoặc có hình bầu dục. Vị trí ở bên trong miệng, bề mặt của lưỡi hoặc ở trên nướu răng.
Kích thước của những nốt này thay đổi khác nhau, có thể chỉ bé khoảng từ 1 – 2mm hoặc to khoảng 8 – 10mm. Khi vỡ ra gây vết loét, xung quanh chúng có viền sưng màu đỏ. Đa phần là các vết loét nông. Tuy nhiên nếu cha mẹ trẻ không có phương án điều trị kịp thời sẽ khiến vết loét lan rộng và sâu hơn. Những nốt nhiệt miệng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc xuất hiện thành nhóm đi kèm nhau.
Các dấu hiệu khác có thể gặp ở một trẻ bị nhiệt miệng đó là:
- Trẻ khó chịu, quấy khóc, biếng ăn, ngủ kém.
- Trẻ chảy nhiều nước dãi.
- Nướu lợi của trẻ có thể bị sưng hoặc chảy máu.
- Trẻ có thể sốt cao hoặc nổi hạch ở cổ.
Thông thường, các triệu chứng của nhiệt miệng sẽ biến mất sau 1 – 2 tuần. Nhưng chúng có thể tái phát nếu cha mẹ không giữ gìn vệ sinh và điều trị cho trẻ đúng cách. Lâu ngày bệnh nhiệt miệng có thể khiến trẻ sụt cân, gầy mòn và kém hoạt động.
Cách phân biệt bệnh nhiệt miệng với các bệnh khác
- Nhiệt miệng là vết loét hình tròn trong mô mềm của miệng. Chúng có thể có màu đỏ, trắng hoặc xám. Các vết loét có thể gây đau đớn và ảnh hưởng việc ăn và ngủ, nhưng chúng không lây nhiễm. Tình trạng này thường kéo dài trong 7 – 14 ngày. Nguyên nhân gây loét áp tơ có thể do: dị ứng thực phẩm, căng thẳng, thiếu vitamin và chấn thương cục bộ,…
- Viêm nướu miệng herpes: do nhiễm virus herpes simplex type 1. Bệnh dễ lây lan và xuất hiện dưới dạng mụn nước chứa đầy chất lỏng. Mụn nước có thể vỡ ra để lại các vết loét. Trong đợt bùng phát, trẻ có thể sốt, khó chịu và đau.
- Bệnh tay, chân và miệng gây ra bởi virus Coxsackie. Trẻ em bị nhiễm virus thường bị loét đỏ nhỏ ở miệng và lòng bàn tay, bàn chân. Đôi khi cũng có thể bị phát ban ở chân và mông. Trẻ thường biểu hiện sốt và uể oải.
- Hầu hết các vết loét do chấn thương và bỏng miệng xuất hiện màu đỏ lúc đầu và chuyển sang màu trắng khi lành.
Khi nào thì nên đưa trẻ đi thăm khám?
Hãy đem trẻ đến ngay bác sĩ khi có một trong những triệu chứng sau:
- Vết loét miệng không lành trong 14 ngày.
- Đau miệng nhiều hơn.
- Khó nuốt.
- Dấu hiệu nhiễm trùng quanh vết loét miệng (mủ, tiết dịch hoặc sưng).
- Dấu hiệu mất nước (nước tiểu ít, rất khát, khô miệng, chóng mặt).
- Sốt.
- Co giật do sốt.
- Giảm cân nặng.
- Đi tiêu ra máu hoặc chất nhầy.
- Loét quanh hậu môn.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến cho con trẻ bị nhiệt miệng. Cũng giống như người lớn, trẻ bị nhiệt miệng thường là do chịu tổn thương ở vùng nướu, niêm mạc miệng. Thường gặp là trong quá trình ăn uống, trẻ vô tình cắn vào lưỡi hoặc mặt trong má. Đây là những tác động cơ học khiến vùng miệng của trẻ bị tổn thương.
Ngoài ra, chính thức ăn đôi khi lại là tác nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng. Các thực phẩm cứng nhọn như xương, mía,… có thể làm trầy xước vùng miệng của bé. Do vậy cha mẹ chú ý chế biến thức ăn cho trẻ đủ mềm mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Một số trẻ bị nhiệt miệng do cơ thể thiếu các khoáng chất và vitamin quan trọng. Có thể kể đến như vitamin C, vitamin B12, sắt hay acid folic. Đây là những vitamin và khoáng chất vô cùng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là cho trẻ nhỏ đang phát triển. Việc mất cân bằng dinh dưỡng thiếu hụt các chất trên sẽ gây nhiều tác hại xấu đến sức khỏe, trong đó có nhiệt miệng ở trẻ em.
Nhiệt miệng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nhiễm trùng nào đó. Tiêu biểu như những trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện những nốt tổn thương viêm loét vùng miệng. Nhiễm virus Herpes, CMV hay nấm.. cũng có thể là tác nhân gây nên biểu hiện nhiệt miệng ở trẻ. Nhất là đối với những trẻ có sức đề kháng yếu, bị suy giảm miễn dịch.
Cách chăm trẻ bị nhiệt miệng
Bệnh nhiệt miệng ở trẻ thường không quá nguy hiểm và sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nhiệt miệng vẫn gây ra những đau đớn khó chịu cho trẻ, khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn bỏ bú. Đây là nỗi lo lắng thường trực của các bậc phụ huynh khi có con em gặp vấn đề này. Cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm thiểu triệu chứng của bệnh và giúp vết loét miệng mau lành hơn:
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ. Dùng bàn chải mềm để chải răng cho trẻ tránh làm tổn thương niêm mạc răng lợi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ hơn có thể dùng rơ lưỡi vệ sinh nhẹ nhàng khoang miệng.
- Cho trẻ súc miệng hàng ngày bằng nước muối ấm loãng. Tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh răng miệng cho trẻ liên tục tới khi vết loét lành hẳn.
- Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng mềm nguội trong thời gian điều trị nhiệt miệng. Không nên cho trẻ ăn đồ cứng, thức ăn chua, cay, mặn. Bởi chúng sẽ khiến vết loét trở nên tồi tệ hơn. Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ từ rau xanh và hoa quả tươi. Đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ có đầy đủ các nhóm chất và thành phần dinh dưỡng.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
- Cần phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
- Không nên tự ý dùng thuốc có thể gây dị ứng hay gặp những biến chứng không mong muốn cho bé.
Điều trị bệnh nhiệt miệng cho trẻ bằng các biện pháp dân gian
Dưới đây là một số cách dân gian an toàn trị chứng nhiệt miệng thông thường ở trẻ:
- Khi thấy trẻ có dấu hiệu của nhiệt miệng, cha mẹ có thể dùng mật ong để làm dịu vết loét. Bằng cách cho trẻ ngậm mật ong pha loãng. Hoặc sử dụng tăm bông chấm mật ong bôi vào vết loét miệng. Lưu ý mật ong không được sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vì có thể gây độc.
- Cách khác là trộn hỗn hợp bột nghệ với mật ong rồi bôi trực tiếp lên vết nhiệt miệng của trẻ. Nghệ và mật ong không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp cho vết loét mau lành hơn. Tương tự như trên, công thức này có chứa mật ong nên cũng không sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
- Lá chè xanh là có tính sát trùng tự nhiên rất hiệu quả với các trường hợp nhiệt miệng. Cha mẹ cho trẻ ngậm nước chè xanh pha loãng từ 5 – 10 phút sẽ làm dịu cơn đau và vết loét. Lưu ý chỉ cho trẻ ngậm không nuốt.
Phòng bệnh nhiệt miệng cho trẻ nhỏ như thế nào?
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm vùng niêm mạc miệng họng.
- Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi cho trẻ. Không cho trẻ ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ. Hạn chế các món chua, cay, nóng. Cho trẻ uống đủ nước.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
- Nếu trẻ đang bị các bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng thì cần cách ly không tiếp xúc với các trẻ khác để tránh lây bệnh.