Viêm bàng quang là bệnh thường gặp của bàng quang. Tình trạng này có thể gây đau buốt khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, đau vùng chậu, đau thắt lưng,… Hiện nay tỷ lệ những người mắc phải căn bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng và nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ. Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì chúng ta không thể lơ là trong việc tìm hiểu các nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả nhất. Hãy cùng prawduct.com tìm hiểu ngay những thông tin này qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang
Do vi khuẩn
- Vi khuẩn gây viêm bàng quang thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli).
- Ngoài ra còn có các vi khuẩn khác gây viêm bàng quang như Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh.
Các nguyên nhân khác
Viêm bàng quang kẽ.
- Do thuốc: các loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide.
- Do xạ trị, đặc biệt là xạ trị vùng khung chậu.
- Do đặt ống thông tiểu.
- Do hóa chất: như tắm bồn với xà phòng tạo bọt, sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng.
- Viêm bàng quang do biến chứng của bệnh khác như bệnh đái tháo đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc tổn thương tủy sống.
Triệu chứng của bệnh viêm bàng quang
Triệu chứng viêm bàng quang phổ biến là:
- Tiểu ra máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn bình thường, mỗi lần chỉ tiểu ra một ít.
- Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Lúc nào cũng có cảm giác phải đi tiểu gấp.
- Đau trằn bụng dưới.
- Đau lưng ở hai bên hoặc đau ở giữa lưng.
- Tè dầm vào ban ngày ở trẻ em.
- Sốt nhẹ.
Các biện pháp điều trị bệnh viêm bàng quang
Một số nguyên tắc cơ bản cần nắm vững khi điều trị
- Xác định được nguyên nhân gây ra viêm bàng quang để có các phác đồ điều trị phù hợp.
- Điều trị triệu chứng: giảm đau bằng thuốc Non Steroid hoặc Acetaminophen.
- Uống kháng sinh để diệt khuẩn.
- Uống nhiều nước để đẩy vi khuẩn trong đường tiết niệu ra ngoài.
Biện pháp điều trị thông thường
Điều trị thông thường: có thể dùng một trong những thuốc điều trị viêm bàng quang sau đây:
- Phối hợp Trimethoprim-Sufamethoxazole, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên, trong 5 ngày.
- Nhóm beta-lactam như Amoxicillin 500 mg ngày uống 4 lần, mỗi lần 1 viên, trong 5 ngày.
- Nhóm cefalosporin như Cephalexin 500mg, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, uống trong 5 ngày.
- Nhóm sát khuẩn như Nitrofurantoin 50mg, ngày uống 4 lần, mỗi lần 1 viên, trong 10 ngày.
- Uống đủ nước: lượng nước tiểu trên 24 giờ duy trì khoảng 2 lít.
Nếu sau 3 ngày điều trị viêm bàng quang mà không đỡ, cần thay đổi phác đồ điều trị. Có thể dùng thuốc nhóm Fluroquinolon như Ciprofloxacin, Norfloxacin,… Bệnh nhân cần được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm các nguyên nhân thuận lợi (phì đại tiền liệt tuyến, sỏi bàng quang,…) và xét nghiệm vi khuẩn (soi tươi, nhuộm gram, cấy).
Biện pháp điều trị viêm bàng quang cấp có nguyên nhân thuận lợi
- Nên lựa chọn kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ nếu có kết quả cấy nước tiểu, đồng thời loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh.
- Có thể dùng kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống.
- Nếu dùng đường tiêm chỉ nên dùng trong 3 – 5 ngày, sau đó tiếp tục bằng đường uống.
- Uống đủ nước.
Biện pháp điều trị viêm bàng quang cấp khi mang thai
Cần sử dụng những kháng sinh không ảnh hưởng tới thai nhi.
- Nhóm cefalosporin như Cephalexin 500mg, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, uống trong 5 ngày.
- Hoặc cefuroxim, ceftazidime tiêm bắp sâu hoặc tĩnh mạch chậm trong 3 – 5 phút, sau 3 ngày chuyển sang thuốc uống.
- Nhóm beta – lactam như Amoxicillin + Acid clavuclanic,…
Lưu ý: Ở phụ nữ có thai cần điều trị ngay viêm bàng quang cấp để đề phòng viêm thận-bể thận cấp, một tình trạng bệnh dễ đưa đến sẩy thai hoặc đẻ non. Cần chú ý không dùng nhóm Fluroquinolon cho phụ nữ có thai vì ảnh hưởng tới sự phát triển xương sụn của trẻ.
Biện pháp điều trị viêm bàng quang tái phát
Bệnh nhân được coi là hay tái phát khi có từ 4 đợt nhiễm khuẩn tiết niệu trờ lên trong 1 năm. Sau điều trị tấn công cần tiếp tục điều trị duy trì. Có thệ dùng một trong các phác đồ sau:
- Dùng một liều kháng sinh trước hoặc sau mỗi lần giao hợp, nếu nhiễm khuẩn liên quan đến quan hệ tình dục, ví dụ: Phối hợp Trimethoprim-Sufamethoxazole, Norfloxacin.
- Dùng liều thấp kháng sinh, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, kéo dài từ 3 đến 6 tháng (như Norfloxacin, Cephalexin, Nitrofurantoin,…).
- Uống đủ nước.
Cách phòng ngừa bệnh viêm bàng quang
Để phòng tránh bệnh viêm bàng quang, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục
- Ăn uống và tập luyện một cách khoa học, có lối sống lành mạnh.
- Khi mắc các bệnh như sỏi đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, cần tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
- Không nên nhịn đi tiểu, không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Trong khi áp dụng những cách điều trị viêm bàng quang, người bệnh cần phải tuân thủ các chế độ ăn uống và luyện tập theo chỉ dẫn của bác sĩ.