Suy thận là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh này thường gây ra các triệu chứng ở giai đoạn nặng, vì vậy những người có nguy cơ mắc bệnh cần phải được bác sĩ kiểm tra thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, do được chẩn đoán và điều trị sớm, tiến triển của bệnh chậm lại, nhưng một số trường hợp phát hiện trễ dẫn đến chức năng thận suy giảm nhanh chóng và cuối cùng là dẫn đến suy thận. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây của prawduct.com sẽ giúp bạn hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này và cách điều trị cũng như phòng tránh sao cho hiệu quả, cùng tìm hiểu nhé!
Như thế nào là suy thận?
Trong cơ thể, thận đảm nhiệm 4 chức năng chính bao gồm:
- Giữ cân bằng dịch trong cơ thể.
- Giữ cân bằng các chất khoáng cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường.
- Lọc bỏ nước thừa và chất thải ra khỏi máu.
- Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu.
Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận. Người bệnh có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi có các triệu chứng của thận suy. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không nhận thấy các biểu hiện bất thường cho đến khi thận gần bị suy. Theo thời gian mắc bệnh, bệnh được chia làm 2 dạng là suy thận cấp và suy thận mạn.
Trường hợp suy thận cấp
Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận giảm đột ngột, mất khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, không cân bằng được nước và điện giải. Bệnh chủ yếu do tuổi tác gây ra, càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Suy thận cấp diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ vài giờ hoặc vài ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Trường hợp được phát hiện sớm và điều trị tích cực, chức năng thận sẽ được phục hồi một phần, thậm chí hoàn toàn.
Trường hợp suy thận mạn
Hậu quả cuối cùng của các bệnh thận – tiết niệu mạn tính là suy thận mạn. Sự phát triển của bệnh thường diễn ra từ từ, chức năng thận suy giảm dần, tương ứng với lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục.
Nguy cơ mắc bệnh thận mạn dẫn đến suy thận phụ thuộc vào mức độ tổn thương thận. Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo từng đợt, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, thận mất hoàn toàn chức năng, đòi hỏi phải điều trị thay thế như lọc máu hay ghép thận,… Nếu suy thận mạn được phát hiện và điều trị kịp thời, triệu chứng có thể được cải thiện và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh suy thận
Một số nguyên nhân gây ra suy thận bao gồm:
- Thường xuyên nhịn tiểu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận. Nhịn tiểu sẽ làm tăng áp lực lên bàng quang, gây suy giảm chức năng của hệ thống bài tiết, làm trào ngược bàng quang và niệu quản.
- Lười uống nước: Cơ thể cần 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày. Lượng nước này giúp pha loãng nồng độ độc tố trong nước tiểu và thải trừ ra ngoài. Do vậy, nếu không uống đủ lượng nước cần thiết, độc tố sẽ bị tích tụ lại trong cơ thể, lâu dần làm giảm khả năng lọc máu của thận và dẫn đến suy thận.
- Ăn quá mặn: Thói quen ăn mặn kéo dài sẽ làm tăng gánh nặng lên thận, dẫn đến suy thận.
- Biến chứng của bệnh khác: Suy thận có thể là biến chứng của một số bệnh lý khác như viêm cầu thận, sỏi thận, thận hư hoặc nhiễm trùng thận.
- Lạm dụng tình dục: Quan hệ tình dục với cường độ cao kéo dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thận do không bắt kịp tiến độ đào thải độc tố, cân bằng điện giải. Với cường độ làm việc như vậy, thận sẽ ngày càng bị suy yếu.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh suy thận
Suy thận thường tiến triển âm thầm nên nếu không để ý, bệnh nhân có thể không phát hiện được các dấu hiệu bất thường. Người mắc có thể nhận biết suy thận thông qua các triệu chứng sau:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
- Thay đổi số lượng và số lần đi tiểu. Tiểu tiện nhiều hơn, nhất là vào ban đêm. Nước tiểu có bọt, màu vàng hơn bình thường hoặc có máu.
- Chân, tay và mặt bị phù do nước tích tụ, độc tố không được bài tiết ra khỏi cơ thể.
- Ăn uống không ngon miệng và buồn nôn.
- Hơi thở có mùi do hàm lượng ure trong máu tăng cao.
- Đau lưng cạnh sườn.
- Mẩn ngứa, phát ban thường xuất hiện ở giai đoạn đầu do khả năng lọc chất thải ra khỏi cơ thể kém.
- Huyết áp cao.
Người bệnh cần chú ý đến những triệu chứng này để ngăn chặn bệnh tiến triển xấu đi.
Các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh suy thận
Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp.
- Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng.
- Bệnh tim mạch.
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Thiếu máu.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
- Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Những đối tượng có nguy cơ bị suy thận
Ai cũng có thể bị suy thận, nhưng trong đó, những người có nguy cơ mắc cao hơn hẳn là:
- Người bị tiểu đường.
- Người bị huyết áp cao.
- Người béo phì.
- Người trên 60 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận.
- Người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Á.
- Người mắc bệnh tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống)
Ngoài ra, một số người có bệnh lý ở thận khác cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến suy thận như: Bệnh thận đa nang, viêm cầu thận, chấn thương thận cấp tính,…
Cách phòng bệnh suy thận
Thay đổi lối sống:
- Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg.
- Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu.
- Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng.
- Không hút thuốc lá.
Thay đổi chế độ ăn uống:
- Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi.
- Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.
Biện pháp điều trị căn bệnh suy thận
Các lựa chọn điều trị cho bệnh suy thận bao gồm:
- Lọc máu.
- Ghép thận.
Lọc máu hoặc ghép thận là cần thiết khi chức năng thận còn lại dưới 10%. Các lựa chọn này còn được gọi là liệu pháp thay thế thận (RRT). Một số người lựa chọn phương pháp chăm sóc hỗ trợ không lọc máu, thay vì chạy thận hoặc ghép thận.
Biện pháp lọc máu
Lọc máu nhân tạo với mục đích là loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Thẩm phân phúc mạc được chia thành hai loại chính: Thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục (CAPD) và thẩm phân phúc mạc tự động (APD). Việc lựa chọn phương pháp lọc máu phụ thuộc vào các yếu tố như: Tuổi tác, sức khỏe và lối sống.
Biện pháp ghép thận
Ghép thận là một phương pháp điều trị suy thận. Việc cấy ghép có thể giúp người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có đủ kinh phí và tìm được thận phù hợp. Để đảm bảo cho việc ghép thận thành công, người bệnh cũng phải đạt các tiêu chí như: Không mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính, mãn tính, đủ sức khỏe để phẫu thuật,…
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận
Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, chế độ ăn uống thân thiện với thận là cách giúp bảo vệ cơ quan này khỏi bị tổn thương thêm.
Giảm lượng muối trong bữa ăn
- Tùy theo mức độ suy thận và phù mà lượng muối sử dụng sẽ từ 2 – 4g/ngày.
- Không ăn đồ chế biến sẵn.
- Trường hợp tiểu ít và phù thì ăn nhạt hoàn toàn.
Giảm lượng kali được nạp vào cơ thể
Kali là khoáng chất giúp các dây thần kinh và cơ bắp hoạt động tốt. Nhưng khi bị suy thận, nếu dung nạp quá nhiều chất này, thận sẽ không thể lọc được, khiến người bệnh có thể gặp vấn đề về tim. Tùy theo mức độ suy thận mà nhu cầu kali dao động từ 2 – 4g/ngày.
Hạn chế ăn những thực phẩm chứa đạm
Ở giai đoạn suy thận nặng, người bệnh thường chán ăn, không ngon miệng, hay bị buồn nôn, nhất là khi ăn thịt, cá. Do đó, để đảm bảo đủ nhu cầu chất đạm, người bệnh có thể uống thêm 1 – 2 ly sữa 250ml/ngày, cùng với 50g thịt, cá/ngày với người 50 – 55kg.
Uống đủ nước
- Trường hợp suy thận nhẹ, lượng nước tiểu bình thường, người bệnh không phù thì có thể uống nước theo nhu cầu khát.
- Nếu người bệnh bị phù, tiểu ít thì lượng nước được tính bằng lượng nước tiểu + 500ml.
Cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể
Dù phải thực hiện một chế độ ăn nghiêm ngặt nhưng người bệnh suy thận vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bằng cách:
- Có thể thay đạm từ thịt, cá bằng ngũ cốc thấp đạm.
- Ăn thêm miến dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ,…
- Dùng dầu ăn trong chế biến thực phẩm.
Suy thận là bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần của người bệnh. Do đó, phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh kéo dài được tuổi thọ và giảm chi phí điều trị.